image banner
TẬP THỂ CB-GV-NV TRƯỜNG THPT ĐỒNG XOÀI QUYẾT TÂM "ĐỔI MỚI ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC,ĐÁP ỨNG MONG ĐỢI CỦA CMHS VÀ HỌC SINH"


Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 1601
  • Trong tuần: 11 932
  • Tất cả: 10950751
Ngoại khóa thư viện, chủ đề: Những trang sách đi cùng năm tháng

Học tập, một công việc tưởng chừng bình thường nhưng lại có ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Bởi học tập là con đường đưa nhân loại tới đỉnh cao của văn minh. Đối với mỗi chúng ta, học tập là chìa khoá để mở cánh cửa dẫn tới tương lai tươi sáng. Và một trong những phương tiện không thể thiếu của học tập đó là sách. Người ta thường nói, sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Sách là nguồn cung cấp tri thức khổng lồ, nó là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao của mỗi người, và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết. Đọc sách chính là một quá trình tích lũy kiến thức, không chỉ giúp chúng ta mở rộng hiểu biết về chuyên môn mà sách còn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và nuôi dưỡng tâm hồn.

Chính vì vậy để giúp cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong toàn trường tích cực chủ động trang bị những kiến thức các môn học từ nguồn sách báo của thư viện nhà trường, đồng thời tạo phong trào thi đua “ dạy tốt - học tốt” xuyên suốt năm học, sáng ngày 9/4/2018, thư viện trường THPT Đồng Xoài tổ chức ngoại khóa nhân dịp “Hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4”, “Kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975 – 30.4.2018, với chủ đề: “NHỮNG TRANG SÁCH ĐI CÙNG NĂM THÁNG”.

Tới dự buổi ngoại khóa có sự hiện diện của quý thầy cô trong BGH nhà trường, Công đoàn trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm, và gần 1500 học sinh toàn trường.

Mở đầu chương trình ngoại khóa toàn trường được thưởng thức tiết mục nhảy sôi động của các bạn học sinh lớp 12D. 

Rồi lắng đọng trong ca khúc Sắc màu với những ca từ mượt mà, giai điệu nhẹ nhàng với sự thể hiện của bạn Nguyễn Văn Nam và nhóm văn nghệ lớp 12D1.

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta hẳn ai cũng đã từng biết qua một vài quyển sách, càng bổ ích hơn khi được đọc hay nghiên cứu về chúng. Đọc sách, yêu quí sách và thể hiện được tư tưởng của mỗi cuốn sách không phải là một việc dễ dàng. Để hiểu hơn về mục đích của buổi ngoại khóa hôm nay, các thầy cô giáo và các em học sinh được theo dõi đoạn video clip “Tuyên truyền về ý nghĩa của ngày sách Việt Nam 21/4” do cô Nguyệt Nga – CB Thư viện trường thực hiện.  

Tiếp theo là trò chơi “Về nguồn”, dưới sự điều khiển của MC Nguyễn Thị Hồng (A), các em vô cùng hào hứng với những câu hỏi thú vị tìm hiểu về thư viện, về lịch sử Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, lịch sử địa phương v.v… đã được bộ phận thư viện sàng lọc, chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp với chủ đề và mục đích ý nghĩa của ngày sách Việt Nam. Có những câu hỏi tưởng chừng khó, nhưng các em lại vượt qua được dễ dàng bằng sự hiểu biết, học hỏi của bản thân, đó là nhờ việc đọc sách, và được nghe các thầy cô giáo giảng dạy trên lớp.

Chúng ta đã từng chứng kiến những tác phẩm văn học kinh điển bước lên màn bạc như: Chiến tranh và hoà bình, Cuốn theo chiều gió, Nhà thờ Đức Bà Paris, Bố già... việc làm đó đã làm nên tên tuổi lừng danh của các nhà biên kịch, đạo diễn trên thế giới. Ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều tác phẩm văn chương được chuyển thể thành kịch bản phim  như: Tắt đèn, Làng Vũ Đại ngày ấy, Lão Hạc…

Trong khuôn khổ của “Ngày hội đọc sách” của nhà trường ngày hôm nay chúng ta được nghe giới thiệu cuốn sách “ 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” của tác giả Nghiêm Văn Tân. Nội dung cuốn sách đã được đội văn nghệ trường THPT Đồng Xoài khéo léo tái hiện lại bằng tiểu phẩm, nói về quá trình tìm về lịch sử cuộc ném bom ác liệt năm 1968 ở ngã ba Đồng Lộc. Từng cô gái trân trọng hiện ra từ mười bức màn chân dung “mỗi người mỗi vẻ”. Qua đó chúng ta thấy cũng được một vùng quê Hà Tĩnh trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Không khí chiến tranh hừng hực trong từng ngôi làng, trong từng căn nhà. Cùng với bom đạn là thiếu thốn, khó khăn. Miếng cơm, manh áo lúc đó của Hà Tĩnh là cả một chuyện lớn. Thế nhưng, vì tiền tuyến, người Hà Tĩnh không tiếc một cái gì, kể cả những đứa con của mình dứt ruột đẻ ra, những đứa em mà mình chăm chút ấp iu từ thuở nhỏ. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong.


Em Đinh Cẩm Chân lớp 11C giới thiệu sách "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc


Em Đinh Cẩm Chân lớp 11C và Minh Anh lớp 11TN1 trong tiết mục kịch "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc"

Tiết mục kịch múa 
"10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" do nhóm học sinh lớp 10A3, 12C3 biểu diễn

Vâng, Chúng ta may mắn được sinh ra, trưởng thành và học tập khi đất nước đã bình yên, được tự do hít thở bầu không khí hòa bình, tự do ngước nhìn mây trắng trời xanh mà nghe những bao la của quá khứ, mà thấm thía giá trị vĩnh hằng của những dâng hiến cao cả. Giữa cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của hiện tại, chúng ta càng nhớ, càng biết ơn những thế hệ cha anh đi trước. Chúng ta  sẽ cố gắng phấn đấu và cống hiến bằng việc nâng cao kiến thức, tài năng góp phần xây dựng và làm rạng danh đất nước.

Biết đọc có nghĩa là đọc thông, viết thạo, tiến tới đọc hay, viết giỏi, đọc một, hiểu mười. Đọc sách để có tri thức, kiến thức phục vụ mình, phục vụ cho mọi người để sống tốt đẹp hơn, có ích cho xã hội, hoàn thiện kĩ năng sống cho mỗi người. Đó là mục đích, ý nghĩa cơ bản cao đẹp của “ Ngày hội đọc sách”. Mời quý thầy cô và các em học sinh đến với thư viện trường để được trang bị thêm những kiến thức bổ ích mà sách mang lại cho chúng ta. Thư viện nhà trường luôn mở rộng cánh cửa để chào đón quý thầy cô và các em!

Nguyệt Nga (CB Thư viện trường)

1 2