Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Từ bao đời nay, câu ca ấy vẫn in sâu trong tâm thức
mỗi người dân Việt Nam. Và dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cứ đến ngày
Giỗ Tổ, là hàng triệu người con mang dòng máu Việt cùng nhau hành hương hoặc
hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng
thành kính.
Theo số liệu thống kê năm 2005 của Cục Văn hóa cơ
sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng
và các nhân vật có liên quan thời đại Hùng Vương. Chỉ tính riêng trong năm năm
trở lại đây, đền thờ Hùng Vương đã được khánh thành, trùng tu ở nhiều nơi như
Cà Mau, Gia Lai, Lâm Ðồng,... Vào ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm,
tại các tỉnh, thành phố trải dọc từ bắc vào nam: Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Ninh,
Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Lâm Ðồng, Bình Phước, Ðồng Nai, TP Hồ Chí
Minh,... chính quyền và nhân dân đều thành kính tổ chức các nghi lễ dâng hương
để tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng đối với dân tộc.
Những con số, những địa danh vừa nhắc tới thể
hiện vị trí quan trọng của các Vua Hùng trong đời sống tinh thần của người Việt
Nam.
Giỗ Tổ
Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của
đất nước. Nhân dân ta tổ chức lễ hội nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với
các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non
sông gấm vóc từ ngàn đời. Trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau, hoạt động tổ
chức Ngày Quốc giỗ góp phần giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Lễ
Giỗ Tổ là sự ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn
dân tộc. Ðây là biểu hiện của một truyền thống đạo đức tốt đẹp mà mỗi người
Việt Nam chúng ta luôn tự cảm thấy mình có bổn phận phải thực hiện.
Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã
xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán -
An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ:
"Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở
miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang
sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa
dập". Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các
triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập
"ngọc phả" về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các
Vua Hùng đối với non sông đất nước. Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm
986 dưới triều Lê Ðại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền,
còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Ðây là
lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết
về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Ðịnh thứ 4 (1919). Năm 1470
(niên hiệu Hồng Ðức nguyên niên - triều Vua Lê Thánh Tông), Hùng Vương ngọc phả
thập bát thế truyền được Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố phụng chỉ biên
soạn. Kế tiếp là Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền do Hàn lâm Học sĩ Nguyễn
Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572 - triều Vua Lê Anh Tông). Còn trong
bản dịch tấm bia được lập ngày mồng 10 tháng 3 năm Canh Thìn (1940 - niên hiệu
Bảo Ðại thứ 15) do Tham tri, lĩnh chức Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn
nội dung cho biết, ngày "quốc tế" (ngày tế do Nhà nước đứng ra tổ
chức) của nước ta vốn diễn ra định kỳ vào mùa thu. Ðến năm Khải Ðịnh thứ 2
(1917), Tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là Lê Trung Ngọc có tờ tư xin Bộ Lễ ấn
định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày "quốc tế". Tương
truyền ngày 11 tháng 3 là Ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 thì nay ngày "quốc
tế" được chọn là trước đó một ngày. Ngày giỗ chính chỉ có dân sở tại làm
lễ.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945,
ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày
Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Từ đó đến nay, dù trong những năm tháng kháng chiến
cứu nước cũng như sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ngày 10 tháng
3 năm nào chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ cũng kính cẩn làm lễ dâng hương,
có đại diện của Nhà nước về dự. Và trong một lần về thăm Ðền Hùng, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã ân cần căn dặn chiến sĩ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Năm 1990, Ðảng và Nhà nước chính
thức quyết định lấy Ngày Giỗ Tổ hằng năm là ngày lễ lớn của đất nước. Ðến ngày
23-8-2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban
hành Quyết định số 39/2001/QÐ-BVHTT, quy định cụ thể về việc tổ chức lễ Giỗ Tổ
trên cả nước. Theo văn bản này, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào Ngày Quốc giỗ mồng
10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng (Khu di tích lịch
sử Ðền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ). Trong ngày lễ này, nhân dân ở khắp mọi miền
đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Ðất Tổ để cúng
giỗ. Còn tại các đền thờ Vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước dưới
thời đại Hùng Vương, cộng đồng người Việt ở Việt Nam cũng như sinh sống ở nước
ngoài, tùy theo điều kiện từng địa phương, con cháu có thể tổ chức nghi thức
giỗ vọng, cùng hướng về vùng trung du phía bắc - nơi đặt đền thờ các Vua Hùng
để khấn vọng, tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn chung của cả dân tộc.
Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền
thống văn hóa cao đẹp, là đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ có trong
văn hóa Việt Nam, được gìn giữ suốt mấy nghìn năm lịch sử. Người Việt đi tới
đâu, khi dựng nhà, lập làng cũng luôn ghi nhớ: Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ
ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động mang tính
truyền thống, có ý nghĩa giáo dục đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Ðó là sự
khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, là động lực
tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua những
gian lao, khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, khó khăn...; củng cố niềm tin
cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày
càng giàu mạnh hơn, to đẹp hơn.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người dân Việt Nam
càng tự hào với giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước
và giữ nước. Do vậy, mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là
giới trẻ, luôn có trách nhiệm: Nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa và truyền
thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; giới thiệu những phong tục, tập quán tốt
đẹp của cộng đồng dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước; có ý chí tự
cường, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong đấu
tranh dựng nước và giữ nước. Ủng hộ và thực hiện những quan điểm, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cổ vũ các tầng lớp nhân
dân, người Việt Nam ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc, đồng lòng, chung
sức xây dựng đất nước hội nhập và phát triển./.
Thu Ngân (b.s)