Lịch sử, ý nghĩa ngày
Giỗ Tổ Hùng Vương
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười
tháng ba"
Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức
hằng năm là một lễ hội lớn, nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng
nước của các vua Hùng - những vị vua đầu tiên trong lịch sử của dân tộc. Ngày
mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi
người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu
về đâu, cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng
đã có công dựng nước. "Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười
tháng ba" Đã là người Việt Nam không ai là không biết đến câu ca ấy và đến
ngày Giỗ tổ hàng triệu bước chân của con Lạc cháu Hồng lại nô nức hành hương về
Đền Hùng, thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về.
Hình ảnh Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ Hùng
Vương
Nguồn
gốc của lễ Giỗ Tổ Như một niềm kiêu hãnh sâu trong tâm linh, mỗi dân tộc, mỗi
quốc gia đều có truyền thuyết riêng cho nguồn gốc của mình. Truyền thuyết
kể rằng Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con, 50 con theo Cha
xuống biển, 50 con theo Mẹ lên núi và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng
Vương. Thường thường nói đến giỗ Tổ là nói đến giỗ Tổ Hùng Vương. Nhưng niên
hiệu lập quốc là năm 2879 tr.CN, thời Kinh Dương Vương, người sáng lập ra họ
Hồng Bàng. Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân
lấy Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Hùng Vương là cháu đích tôn của Kinh Dương Vương.
Giỗ Tổ vì vậy phải là giỗ Tổ Kinh Dương Vương. Trong thời khai quốc, Kinh Dương
Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đều là những Tổ Phụ quan trọng của nòi giống
Lạc Hồng. Giỗ Tổ vì thế nên cũng nhớ đến các Tổ Phụ Tổ Mẫu thời khai quốc,
không nên chỉ nhớ đến Hùng Vương không mà thôi. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương xuất
hiện từ khi nào? Theo những tài liệu còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày
Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời
Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi
rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở
miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang
sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại
phong kiến Việt Nam ngay từ khi lên ngôi đã từng bước xác lập “ngọc phả” về
thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non
sông đất nước Ngày Giỗ Tổ là ngày gì? Theo truyền thuyết thì có 18 đời vua
Hùng. 1 đời vua là 1 triều đại. Truyền thuyết ghi 18 đời Hùng vương có tổng
cộng 180 vua. Nhưng tại sao chọn ngày ‘giỗ vua tổ’ là ngày trọng đại coi như
ngày khai sinh đất nước mà không chọn ngày sinh hay ngày lên ngôi của ngài?
quốc gia của người họ Hùng, trước khi trở thành 1 vương quốc bao giờ cũng có
thời lập quốc, ngày kết thúc thời lập quốc cũng chính là ngày bắt đầu của thời
vương quốc, cả thời gian lập quốc được người Việt ‘siêu nhiên hóa’ thành thời
trị vì của vua tổ, ngày vua tổ mất chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên tức
mốc thời gian bắt đầu có quốc gia dân tộc hay là ngày khởi đầu của lịch sử quốc
gia. Ý nghĩa của ngày 10/3 Ngày giỗ tổ chính là
ngày lên ngôi của vua đầu tiên, ngày khởi đầu của vương triều thứ nhất, ngày
bắt đầu của Lịch sử quốc gia.
Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan
tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất
là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm
1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức
các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.Trong ngày Giỗ Tổ
năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh
Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và
một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ
tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh
tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh
cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người
đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải
cùng nhau giữ lấy nước”.
Tháng 9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Đền Hùng thắp hương
viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong, giao
nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu
Ngày 6/1/2001,
chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô, nghi lễ tổ
chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 trở thành
ngày Quốc Giỗ của cả dân tộc.
Ngày 02/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật
Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ
Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành
ngày Lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa
dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng
Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ
nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc
tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm, chúng ta cùng nguyện một lòng mãi
khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng
nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các vị vua Hùng - những vị vua đầu tiên trong lịch sử của dân tộc, thầy trò trường THPT Đồng Xoài cố gắng
hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, học tập góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch
mục tiêu, chiến lược phát triển của nhà trường.
Tổ Sử - Địa - GD KT và PL