image banner
TẬP THỂ CB-GV-NV TRƯỜNG THPT ĐỒNG XOÀI QUYẾT TÂM "ĐỔI MỚI ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC,ĐÁP ỨNG MONG ĐỢI CỦA CMHS VÀ HỌC SINH"


Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 859
  • Trong tuần: 14 556
  • Tất cả: 10547511
Trường THPT Đồng Xoài "Ngôi trường Thông minh” - Báo Bình Phước

BP - Trong chuyến khảo sát thực tế tại Trường THPT Đồng Xoài ngày 21-8-2019, sau khi nghe lãnh đạo trường báo cáo, giới thiệu về trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Lợi ghi nhận, đánh giá cao sự linh hoạt, chủ động của trường trong việc xây dựng mô hình “trường học thông minh” và coi đây là điểm sáng cần được đầu tư, nhân rộng. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Sở GD-ĐT chủ động cùng lãnh đạo tỉnh và các đơn vị đối tác xây dựng giáo dục thông minh ở các cấp học. Mỗi cấp chọn 1 trường làm điểm, trong đó bậc THPT chọn Trường THPT Đồng Xoài.

MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI

Cô Dương Thị Thảo, Hiệu phó Trường THPT Đồng Xoài cho biết: Trường học thông minh hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy - học nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu đào tạo thế hệ trẻ. Đây là mô hình trường học mới, hiện đại nhưng không có mô hình sẵn. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 29/NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT và Quyết định số 711/QĐ-TTg, ngày 13-6-2012 của Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020”, từ các nguồn kinh phí vận động, tiết kiệm, những năm qua Trường THPT Đồng Xoài đã mạnh dạn đầu tư, chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất xây dựng mô hình giáo dục mới, làm cơ sở để xây dựng trường học thông minh. Để xây dựng trường học thông minh thì con người và cơ sở vật chất là 2 yếu tố quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định.


100% lớp học của Trường THPT Đồng Xoài sử dụng bảng tương tác thông minh trong dạy - học. Ảnh: Học sinh lớp 11TN2 trong giờ học tiếng Anh

Toàn trường hiện có 87 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, 100% cán bộ quản lý được đào tạo chính quy về quản lý giáo dục; năng động, sáng tạo, luôn đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả hoạt động quản lý, điều hành. Trường có 76 giáo viên đứng lớp thì 100% thông thạo giáo án điện tử, biết ứng dụng các phần mềm cơ bản như Word, Powerpoint, 30% thành thạo trong soạn giảng e-learning. Các giáo viên đã sử dụng bảng tương tác thông minh trong dạy học, trong đó 30% biết kết hợp sử dụng hiệu quả nhiều phần mềm hỗ trợ. Từ năm học 2018-2019, trường bước đầu làm quen với dạy học song ngữ Việt - Anh ở khối 10, vì thế các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và giáo viên cốt cán tự đào tạo thêm tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu dạy học ở môi trường mới. Trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh những năm gần đây, Trường THPT Đồng Xoài đều dẫn đầu tỉnh về số lượng và chất lượng.

Những năm qua, trường luôn đi đầu tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản lý và dạy - học; luôn trong top 4 toàn tỉnh về chất lượng học sinh giỏi, sáng tạo khoa học, kỹ thuật và các hội thi. Ghi nhận những thành tích đạt được, năm 2014 trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2013-2018 và giai đoạn 2018-2023; là trường đầu tiên trong toàn tỉnh đạt kiểm định chất lượng cấp độ 3 - cấp độ cao nhất và đang xây dựng trường học thông minh giai đoạn 2019-2023, tiến tới kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế giai đoạn 2025-2030. Hiện đề án xây dựng trường học thông minh đã được Sở GD-ĐT thuận chủ trương và đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trường có 28 phòng học lý thuyết, 5 phòng học bộ môn và các phòng khối hiệu bộ. Ngoài ra còn có xưởng nghề, phòng nghiên cứu khoa học, sinh hoạt chuyên môn, hội trường. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, tiết kiệm hoạt động, trích từ quỹ dạy thêm, học thêm khoảng 400 triệu đồng/năm, trường đã đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó, trường đã trang bị hệ thống internet băng thông rộng (cáp quang FTTH) với tốc độ đường truyền luôn ổn định, phủ sóng wifi toàn trường. Website của trường hoạt động hiệu quả, gồm trang web cho hoạt động chung và riêng cho các bộ phận, tổ chức để thực hiện chức năng quản lý và cấp học liệu (giáo án điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, ma trận đề kiểm tra, thi thử...). Các phòng học, phòng bộ môn được trang bị bảng tương tác thông minh, hệ thống âm thanh, ánh sáng, đường truyền internet, máy tính để bàn... Trong các phòng học, khu vực hành lang, cổng trường đều gắn camera với tổng 80 mắt. Tại sân khấu trung tâm sân trường, có màn hình LED gần 300 inch phục vụ các buổi lễ và hoạt động tập thể ngoài trời, ngoài giờ lên lớp của học sinh như giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng, loa điều hành. Ở trường đã lắp loa báo giờ tự động; hệ thống uống nước tự động với 11 máy lọc nước Super-9F, tiêu chuẩn châu Âu để cung cấp nước uống sạch, miễn phí cho toàn trường; lắp máy điểm danh cán bộ, giáo viên, nhân viên bằng nhận diện khuôn mặt hoặc vân tay và năm học 2019-2020 thực hiện điểm danh đối với học sinh. Các phần mềm chuyên dụng đã được trường khai thác đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều năm qua, như quản lý điểm, quản lý học sinh, giáo viên, quản lý tài sản, thiết bị, tài chính và các phần mềm sử dụng trong hoạt động chuyên môn.

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Cô Đặng Thị Huyền, giáo viên môn Sinh chia sẻ: Ban đầu áp dụng mô hình dạy học mới với nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian ngắn làm quen, học hỏi thì thấy rất cần thiết. Trong thời đại 4.0 không chỉ cán bộ quản lý mà giáo viên và học sinh cần phải thay đổi, đổi mới tư duy trong dạy - học. Lượng kiến thức nhiều, trong khi thời gian 45 phút/tiết không thể chuyển tải hết đến học sinh nhưng khi áp dụng mô hình dạy học kết nối, giáo dục mở, không chỉ kiến thức tiết học mà các em còn tiếp nhận nhiều thông tin, cách học khác. Một số bài giảng của giáo viên được quay lại cùng với giáo án, tài liệu đưa vào kho dữ liệu học tập và đăng lên trang web trường cho các em học thêm trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Mặt khác, dạy học bằng bảng tương tác thông minh ngoài tiết kiệm thời gian viết bảng, đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh khi không còn dùng phấn thì còn giới thiệu được nhiều hình ảnh sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, giúp học sinh hứng thú, say mê học tập, phát triển tư duy, thỏa sức khám phá. Chất lượng giáo dục từ đó nâng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, điểm bình quân môn Sinh đạt 5,19, cao thứ 5 toàn tỉnh. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2018-2019, trường có 8 em dự thi môn Sinh thì cả 8 đều có giải, cao hơn năm học trước 1 giải; kỳ thi Olympic 19/5 môn Sinh cấp tỉnh năm học 2018-2019, trường có 10/10 em đoạt huy chương, tăng 1 huy chương so với năm học trước, trong đó 5 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.


Học sinh lớp 11TN2, Trường THPT Đồng Xoài sử dụng bảng tương tác thông minh trong giờ học tiếng Anh

Em Nguyễn Văn Khánh, lớp 11TN2 cho biết: Từ năm lên lớp 10, thầy cô ở trường đã dạy học song ngữ Việt - Anh, chủ yếu là những từ khóa, ngôn ngữ thông dụng của môn học, qua đó giúp học sinh có thêm vốn kiến thức, từ vựng. Đặc biệt hơn, lớp học gắn bảng tương tác thông minh nên mọi sinh hoạt đều thực hiện trên bảng với rất nhiều ứng dụng, hình ảnh sinh động, linh hoạt, cụ thể cuốn hút học sinh. Học tập ở môi trường mới, giúp các bạn thỏa sức trải nghiệm, sáng tạo, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, nâng cao, phát triển toàn diện kiến thức. (Nguồn: Báo Bình Phước)

Vũ Thuyên

1 2